Loại bỏ tế bào chết là bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da của chị em phụ nữ. Mặc dù, phương pháp này giúp cho làn da trở nên mịn màng, trắng sáng nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ khiến da bị bào mòn và mất đi hàng rào bảo vệ nếu không thực hiện đúng cách. Trong bài viết hôm nay, Jenacare sẽ giới thiệu cách tẩy tế bào chết cho da mặt từ A đến Z.
Table of Contents
Tẩy tế bào chết là gì?
Tế bào chết là một khái niệm chỉ các biểu bì đã “già” nằm ở lớp trên cùng trong cấu trúc da (tầng thượng bì). Vì không còn lợi ích đối với con người nên chúng bị đào thải ra khỏi cơ thể. Tuy nói rằng các tế bào chết có khả năng tự bong tróc nhưng quá trình này diễn ra tự nhiên nên cần nhiều thời gian. Hơn nữa, da chết có thể không bong đều và gây ra hiện tượng da sần sùi, khô sạm và không đều màu.
Như vậy, tẩy tế bào chết cho da mặt là hành động loại bỏ các biểu bì đã già để thúc đẩy sự tái tạo định kỳ các tế bào mới. Từ đó, giúp chị em như được hồi xuân với một làn da mịn màng, rạng rỡ.
Tẩy tế bào chết giúp kích thích cơ thể sản sinh collagen
Một số phương pháp tẩy da chết phổ biến
1. Phương pháp hóa học
Dùng AHA
Phương pháp này là sự kết hợp của các hóa chất như Alpha Hydroxy Acids, (AHA), Retinol và Enzyme. Trong đó, AHA là tên gọi của một nhóm nhiều dạng acid có khả năng hòa tan trong nước. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, AHA không đi sâu vào lỗ chân lông mà hoạt động mạnh trên bề mặt da để dưỡng mềm và làm mờ các nếp nhăn. Dựa vào tính chất này, có thể thấy AHA không phù hợp với da nhạy cảm, dễ bị kích ứng.
Tìm hiểu chi tiết: Cách tẩy tế bào chết cùng Retinol hiệu quả nhất
Alpha Hydroxy Acids được đánh giá là một cách tẩy tế bào chết khá tốt dành cho da mặt khô sạm, sần sùi, bị lão hóa sớm, xỉn màu… hay nổi nhiều mụn.
Một số AHA được chiết xuất từ các loại trái cây có đường:
- Acid lactic: có nguồn gốc từ sữa và rau
- Acid glycolic: có nguồn gốc từ đường mía
- Acid citric: có nguồn gốc từ cam, quýt
- Acid malic: có nguồn gốc từ táo
- Acid tartaric: có nguồn gốc từ nho
Mẹo nhỏ dành cho chị em đang làm quen với phương pháp này: Nên sử dụng AHA có nồng độ từ 4 – 10% và độ pH ở mức 3 – 4.
AHA là cách tẩy tế bào chết cho da phổ biến hiện nay
Dùng BHA
BHA là viết tắt của Beta Hydroxy Acids. Nếu như AHA có thể tan trong nước thì khả năng của BHA là tan trong dầu. Vì vậy, có thể sử dụng hợp chất hóa học này để làm khô lượng dầu thừa và sợi bã nhờn ẩn sâu trong lỗ chân lông, đồng thời, làm sạch tế bào chết để da mặt được “thở”.
Thông thường, BHA được dùng nhiều cho những trường hợp da mặt có mụn trứng cá, mụn ẩn li ti, mụn đầu đen,… hoặc bị ảnh hưởng bởi tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Trong quá trình tẩy tế bào chết, BHA sẽ phát huy tác dụng kháng viêm và chống sưng để không gây kích ứng lên da dầu mụn.
Đọc thêm: Hướng dẫn chi tiết cách tẩy tế bào chết cho da mặt với BHA không bong tróc
Trong các loại Beta Hydroxy Acids, tiêu biểu nhất là Salicylic Acid nhờ công dụng điều trị mụn trứng cá và làm dịu da bị kích ứng hiệu quả.
Nên sử dụng BHA có độ pH mức 3 – 4 và có nồng độ từ 3 – 4%
Bên cạnh hai loại phổ biến nhất là Alpha Hydroxy Acids (AHA) và Beta Hydroxy Acids (BHA), hiện nay, đã có thêm nhiều cách tẩy tế bào chết cho da mặt dạng hóa học như: LHA, PHA, Enzyme từ trái cây, Retinoids… Bạn nên thực hiện tẩy da chết bằng phương pháp hóa học 2 – 3 lần/tuần để có một làn da mịn màng, tươi trẻ.
2. Phương pháp vật lý
Tẩy da chết bằng phương pháp vật lý (hay phương pháp cơ học) được hiểu đơn giản là sử dụng tay hoặc các công cụ hỗ trợ để tác động lực và tạo sự ma sát trên bề mặt da. Tất nhiên, không thể thiếu sự tham gia của các sản phẩm tẩy da chết dạng kem, gel hoặc dạng hạt để hỗ trợ lấy đi các biểu bì dư thừa.
Đây là một phương pháp an toàn và dễ dàng thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp này, chị em cần lưu ý hai điều sau. Lựa chọn chất tẩy dạng hạt có kích thước nhỏ, mịn và massage mặt thật nhẹ nhàng để tránh gây tình trạng chảy xệ, kích ứng.
Tẩy da chết cho mặt bằng phương pháp vật lý là gì?
Tại sao phải tẩy tế bào chết cho da mặt?
Tính thẩm mỹ
Cứ mỗi 25 – 28 ngày, da mặt lại được tái tạo một lần, nhường chỗ cho những tế bào mới phát triển. Nếu không được loại bỏ định kỳ, lớp da chết sẽ ngày càng dày hơn, khiến da mặt bị xỉn màu và trông già đi đáng kể. Khi các tế bào mới được “thở”, khuôn mặt sẽ trở nên trắng hồng, mềm mịn.
Làm sạch sâu da mặt
Việc rửa mặt hàng ngày không thể lấy hết cặn bẩn, dầu nhờn còn sót lại trong các lỗ chân lông. Vì vậy, da mặt cần thêm một bước làm sạch, đó là tẩy tế bào chết. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp trẻ hóa làn da và cải thiện tình trạng da không đều màu.
Tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất của da
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao bản thân chăm chỉ skincare nhưng tình trạng da vẫn không có nhiều tiến triển tốt. Đó là vì bạn chưa thực hiện đúng cách tẩy tế bào chết cho da mặt.
Lớp tế bào chết như một hàng rào ngăn cản tinh chất từ các sản phẩm dưỡng thấm sâu vào cấu trúc da. Chỉ khi lỗ chân lông được làm sạch, da mặt mới có thể hấp thụ nhiều dưỡng chất và trở nên sáng mịn hơn mỗi ngày.
Các dưỡng chất dễ dàng thẩm thấm sau khi tẩy tế bào chết
Quy trình tẩy tế bào chết cho da mặt tại nhà
Nếu bạn là một người bận rộn thì hãy tham khảo ngay quy trình tẩy da chết tại nhà chỉ với 4 bước đơn giản mà Jenacare chia sẻ sau đây.
Bước 1: Làm giãn nở lỗ chân lông
Trước hết, bạn cần xông mặt để các lỗ chân lông giãn nở và làm mềm da. Điều này sẽ giúp cho việc tẩy tế bào chết đạt hiệu quả tốt hơn.
Trong trường hợp không có máy xông hơi, bạn vẫn có thể xông mặt bằng những dụng cụ có sẵn tại nhà. Chuẩn bị một tô nước nóng, một chiếc khăn tắm và tinh dầu tự nhiên (tùy vào sở thích mỗi người). Nhỏ 2 – 3 giọt tinh dầu vào tô nước, úp mặt cách tô khoảng 15cm và trùm khăn kín đầu để hơi nước không thoát ra ngoài. Hoặc đơn giản hơn, bạn giặt khăn bông với nước ấm sau đó đắp lên mặt. Thực hiện trong 10 phút để lỗ chân lông nở đều.
Xông mặt để đẩy bụi bẩn, dầu thừa ra khỏi lỗ chân lông
Bước 2: Rửa mặt
Đừng quên bước rửa mặt luôn đứng trước bước tẩy tế bào chết. Lúc này, bạn sẽ dễ dàng lấy đi cặn bẩn và sợi bã nhờn nằm sâu trong các lỗ chân lông.
Làm ướt da mặt và cho một lượng vừa đủ sữa rửa mặt ra lòng bàn tay. Thực hiện xoa nhẹ nhàng theo chuyển động tròn, sử dụng đầu ngón tay để rửa thật kỹ vùng cánh mũi, cằm và mắt. Sau 30 giây, rửa sạch mặt với nước ấm và giữ cho da hơi ẩm để sẵn sàng cho bước tẩy tế bào chết.
Luôn rửa tay thật sạch trước khi tiếp xúc với da mặt bạn nhé!
Luôn nhớ tạo bọt sữa rửa mặt trước khi thoa lên da
Bước 3: Tẩy tế bào chết
Thoa một lượng kem hoặc hỗn hợp tẩy tế bào chết lên mặt, bắt đầu massage nhẹ tay theo chiều kim đồng hồ để các hợp chất thực hiện nhiệm vụ loại bỏ các biểu bì dư thừa trên da.
Thực hiện tẩy tế bào chết khi da còn ẩm
Bước 4: Làm sạch da mặt
Sau 30 giây tẩy da chết kết hợp massage, bạn cần làm sạch mặt bằng nước ấm và dùng khăn mềm thấm khô nhẹ nhàng. Quá trình tẩy tế bào chết này chỉ nên diễn ra lâu nhất khoảng 1 phút. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng da bị bào mòn do tiếp xúc lâu với nhiều chất tẩy mạnh.
Da mặt đã sẵn sàng cho các bước dưỡng da tiếp theo
Gợi ý 3 công thức tẩy tế bào chết cho mặt bằng trái cây dễ làm tại nhà
1. Tẩy tế bào chết từ chuối và bơ
Chuối và bơ đều là những nguyên liệu dễ tìm thấy tại các cửa hàng, siêu thị lớn, nhỏ. Ngoài công dụng tuyệt vời trong chế biến món ăn, chúng còn được nhiều chị em sử dụng để chăm sóc sắc đẹp.
Thành phần tiêu biểu nhất có trong chuối là silica, giúp kích thích sự sản sinh collagen và làm mờ nếp nhăn trên da mặt. Chuối còn có tác dụng chống viêm, cân bằng độ ẩm và tạo hàng rào bảo vệ làn da khỏi sự xâm nhập của các tia cực tím rất tốt. Bên cạnh đó, quả bơ cũng chứa nhiều axit béo, protein, kali,…và vô số vitamin A, D và E, rất có lợi cho làn da của bạn.
Nguyên liệu cần có:
- 1 quả chuối chín
- 1 quả bơ chín
- 1 muỗng mật ong.
Các bước thực hiện:
- Bỏ tất cả nguyên liệu vào chiếc tô nhỏ rồi trộn đều tay
- Rửa mặt thật kỹ và thoa hỗn hợp lên mặt
- Sau 10 – 15 phút, làm sạch bằng nước ấm.
Hỗn hợp chuối và bơ giúp tẩy tế bào chết cho da mặt hiệu quả
2. Tẩy tế bào chết từ dâu tây
Dâu tây không chỉ có vẻ ngoài bắt mắt mà còn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực làm đẹp. Cụ thể hơn, trong loại trái cây này có nhiều vitamin A, B và đặc biệt là vitamin C có tác dụng chống oxy hóa.
Đắp mặt nạ dâu tây cũng là một cách tẩy tế bào chết cho da mặt, nhờ vào khả năng làm sạch sâu và thúc đẩy da tái tạo bằng một chất axit có tên là alpha hydroxy.
Nguyên liệu cần có:
- 5 trái dâu tây chín
- 1 muỗng đường
- 1 muỗng mật ong
- 1 muỗng dầu ô liu.
Các bước thực hiện:
- Cho các nguyên liệu vào máy và xay đến khi nhuyễn mịn
- Làm sạch mặt rồi đắp hỗn hợp lên da trong 10 phút
- Rửa sạch lại với nước ấm.
Tìm hiểu thêm: Top 10+ công thức tẩy da chết từ thiên nhiên hiệu quả nhất
Đắp mặt nạ dâu tây 2 – 3 lần/tuần để có một làn da sáng mịn
3. Tẩy tế bào chết từ Kiwi
Bạn có biết rằng lượng vitamin C có trong kiwi cao gấp 3 lần so với trái cam. Bên cạnh đó, loại quả này còn hỗ trợ, kháng viêm, làm mờ nếp nhăn và đẩy lùi quá trình lão hóa da nhờ vào hàm lượng vitamin E dồi dào.
Nguyên liệu cần có:
- ½ quả kiwi
- 2 thìa sữa chua không đường.
Các bước thực hiện:
- Xay nhuyễn hoặc trộn đều kiwi và sữa chua
- Rửa mặt thật sạch rồi dàn đều hỗn hợp lên bề mặt da
- Dùng nước ấm rửa lại mặt sau 15 phút đắp.
Kiwi vừa giúp tẩy da chết vừa dưỡng trắng da mặt
Những điều cần tránh khi tẩy tế bào chết cho da mặt
1. Không sử dụng sản phẩm tẩy da chết toàn thân cho da mặt
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng cùng là sản phẩm tẩy tế bào chết thì sẽ phát huy công dụng như nhau trên khắp cơ thể. Tuy nhiên, các chất tẩy dùng cho phần thân thường hoạt động mạnh hơn để lấy đi tế bào chết cứng đầu ở những vùng da như cùi chỏ tay, đầu gối và bàn chân.
Trong khi đó, da mặt của chúng ta vô cùng mỏng manh và dễ bị kích ứng, đặc biệt đối với các chị em phụ nữ thường xuyên trang điểm. Vì thế, bạn không nên sử dụng chất tẩy da chết toàn thân cho mặt sẽ vô tình khiến da nhanh chóng bị bào mòn và dị ứng hay thậm chí là làm rách các mô mỏng trên khuôn mặt.
Chỉ sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết chuyên dụng cho da mặt
2. Tránh tác động da bằng lực mạnh khi tẩy da chết
Không như những vùng da khác trên cơ thể, da mặt là một trong những vùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Chưa kể đến, các sản phẩm hỗ trợ tẩy tế bào chết thường có nhiều chất tẩy mạnh, rất dễ gây kích ứng nếu không được thực hiện đúng cách.
Bạn nên dùng các đầu ngón tay massage mặt chậm rãi theo các chuyển động tròn. Hạn chế chà mạnh vào vị trí da mỏng manh như vùng bọng mắt và hai bên má.
Tẩy da chết kết hợp massage nhẹ nhàng
3. Cấp ẩm cho da mặt sau khi tẩy tế bào chết
Các cách tẩy tế bào chết cho da mặt không những loại bỏ lớp biểu bì đã già mà còn lấy đi sợi bã nhờn và dầu thừa còn sót lại trong các lỗ chân lông. Kết quả, da mặt trở nên khô hơn nên cần được cấp ẩm kịp thời.
Bạn nên thực hiện các bước chăm sóc như toner, serum, kem dưỡng ẩm để cân bằng độ ẩm cho da ngay sau khi tẩy tế bào chết.
Khi ra ngoài, hãy nhớ bôi kem chống nắng đầy đủ và che chắn thật kỹ vì lúc này, da mặt chưa kịp hình thành hàng rào bảo vệ nên tia UV có thể dễ dàng xâm nhập và gây nám, tàn nhang.
Cấp ẩm cho da ngay sau khi tẩy tế bào chết
4. Không nên lạm dụng việc tẩy tế bào chết cho mặt
Khác với việc rửa mặt cần phải thực hiện mỗi ngày, bạn chỉ nên tẩy tế bào chết tối đa 3 lần/tuần hoặc cách 3 ngày tẩy một lần để đạt kết quả tốt nhất.
Sử dụng liên tục chất tẩy mạnh trên mặt khiến da bị bào mòn, khô sạm và trở nên nhạy cảm hơn. Hơn nữa, da sẽ mất đi hàng rào bảo vệ tự nhiên và chịu ảnh hưởng xấu bởi các tác nhân ngoài môi trường như bụi bẩn, khí thải và ánh nắng mặt trời.
Tìm hiểu thêm: Tẩy da chết bao nhiêu lần là đúng?
Bạn cần ngưng sử dụng ngay khi sản phẩm tẩy tế bào chết gây ra các dấu hiệu bất thường như ngứa, rát, mẩn đỏ,… trên da mặt.
Lập kế hoạch tẩy tế bào chết cụ thể
Tổng kết
Hy vọng rằng những chia sẻ bổ ích từ Jenacare sẽ giúp các chị em có thêm hiểu biết về cách tẩy tế bào chết cho da mặt. Chúc chị em áp dụng thành công và có một làn da mịn màng, rạng rỡ để tự tin gặp gỡ mọi người!